Bước tới nội dung

Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trang Chính   Bản đồ

Cổng thông tin Chiến tranh thế giới thứ hai
Tổng quan các mặt trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
Tổng quan các mặt trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ năm 1937 hoặc 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng MinhTrục (phát-xít). Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng của cuộc chiến này, ngoại trừ châu Nam Cực. Nó là cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại.

Các chiến sự đã xảy ra tại Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông ÁĐông Nam Á. Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5, 1945 nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Sau cuộc chiến, châu Âu bị chia ra làm hai phái: một phía chịu ảnh hưởng phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, còn phía kia chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Các nước chịu sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ được phục hồi kinh tế sau khi nhận được viện trợ từ Kế hoạch Marshall trong khi các nước kia trở thành các nước cộng sản phụ thuộc Liên Xô. Tây Âu liên kết đồng minh trong Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương, trong khi các nước Đông Âu liên kết đồng minh theo Hiệp ước Warszawa. Các liên minh này đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh sau này. Tại châu Á, sự chiếm đóng Nhật Bản của quân đội Hoa Kỳ đã Tây hóa nước này, trong khi Trung Quốc bị chia ra thành hai nước: nước cộng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan. [ Đọc tiếp ]

Bài viết chọn lọc
Ảnh chụp Trân Châu Cảng từ một máy bay Nhật cho thấy các thiết giáp hạm Mỹ vào lúc mở đầu trận đánh. Vụ nổ ở giữa bức ảnh là một quả ngư lôi đánh trúng chiếc thiết giáp hạm USS West Virginia.
Trận Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng ngày Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ sáu tàu sân bay Nhật Bản.

Trận tấn công đã đánh chìm bốn thiết giáp hạm Hoa Kỳ (hai chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho bốn chiếc khác. Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương. Các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa và các kho chứa nhiên liệu và ngư lôi, cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và tòa nhà sở chỉ huy (cũng là nơi đặt bộ phận tình báo) đã không bị đánh trúng. Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và bốn tàu ngầm bỏ túi, với 65 người thiệt mạng hoặc bị thương.

Cuộc tấn công là một sự kiện lớn trong Thế Chiến II. Nó đã diễn ra trước khi có bất cứ một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra, cả trước khi phần cuối cùng trong một thông điệp gồm 14 phần được chuyển hoàn tất đến Bộ Ngoại giaoWashington, D.C.. Tòa Đại sứ Nhật Bản ở Washington đã được chỉ thị phải chuyển giao thông điệp này ngay trước thời điểm trù định cho cuộc tấn công ở Hawaii. Cuộc tấn công, và đặc biệt là bản chất “bất ngờ” của nó, là hai nhân tố khiến cho công chúng Mỹ thay đổi quan điểm từ chính sách tự cô lập như vào những năm giữa thập niên 1930 sang ủng hộ việc Mỹ tham chiến. Ngoài ra, việc Đức nhanh chóng tuyên chiến với Mỹ mà không bị thúc ép bởi bất kỳ cam kết nào với Nhật Bản đã lập tức khiến Mỹ can dự vào Mặt trận Châu Âu. Việc Nhật Bản không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi tấn công khiến Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng: “Ngày 7 tháng 12 năm 1941 sẽ mãi là một ngày ô nhục”.

Khí tài quân sự
North American P-51D Mustang Tika IV thuộc Liên đội Tiêm kích 361, sơn ký hiệu tấn công trong Trận Normandie.
North American P-51 Mustang là một kiểu máy bay tiêm kích Hoa Kỳ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào các năm giữa của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiếc P-51 trở nên một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh.

Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944. Nó cũng tham gia ở mức độ hạn chế chống lại Đế quốc Nhật Bản trên Mặt trận Thái Bình Dương. Mustang bắt đầu tham gia Chiến tranh Triều Tiên như là máy bay tiêm kích chủ yếu của lực lượng Liên Hợp Quốc, nhưng nhanh chóng được bố trí lại trong vai trò tấn công mặt đất sau khi bị vượt qua bởi những máy bay tiêm kích phản lực đời đầu. Tuy vậy, nó vẫn được giữ lại phục vụ trong một số lực lượng không quân cho đến đầu những năm 1980.

Cho dù là một máy bay có giá thành chế tạo thấp, Mustang lại là một kiểu máy bay nhanh, được chế tạo tốt và rất bền bỉ. Phiên bản cuối cùng P-51D của chiếc tiêm kích một chỗ ngồi này được trang bị động cơ 12 xy-lanh Packard V-1650-3, có siêu tăng áp hai tầng hai tốc độ, một phiên bản do Packard chế tạo của kiểu động cơ Rolls-Royce Merlin huyền thoại, và trang bị sáu súng máy M2 Browning 12,7 mm (0,50 in).

Sau Thế Chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, nhiều chiếc Mustang được chuyển sang sử dụng dân sự, đặc biệt là trong các cuộc đua hàng không. Danh tiếng Mustang đạt đến mức mà, vào giữa những năm 1960, nhà thiết kế John Najjar của hãng xe Ford đã đề nghị cái tên máy bay tiêm kích đó cho mẫu xe thể thao Ford Mustang.

Bài viết tiêu biểu
Kị binh Ba Lan trong trận Bruza, trận đánh lớn nhất giữa Đức và Ba Lan trong cuộc chiến.
Cuộc tấn công Ba Lan năm 1939 -- được người Ba Lan gọi là Chiến dịch tháng Chín (Kampania wrześniowa), Chiến tranh vệ quốc 1939 (Wojna obronna 1939 roku); người Đức gọi là Chiến dịch Ba Lan (Polenfeldzug) với bí danh Kế hoạch Trắng (Fall Weiss) -- là một sự kiện quân sự đã mở đầu Thế chiến thứ hai diễn ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 khi Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Ba Lan. Ngày 17 tháng 9 năm 1939, đến lượt Hồng quân Liên Xô cho quân tiến chiếm miền đông Ba Lan. Ngoài ra còn có một lực lượng nhỏ Slovakia đồng minh của Đức tham chiến.

Sau sự kiện Gleiwitz ngày 31 tháng 8 năm 1939, ngày 1 tháng 9, quân Đức tiến đánh Ba Lan từ các hướng bắc, nam và tây. Do phải dàn mỏng ra trên toàn tuyến biên giới, quân Ba Lan nhanh chóng bị buộc phải rút lui về hướng đông. Sau khi thắng trận Bzura, quân Đức giành được ưu thế quyết định trên chiến trường. Ngày 17 tháng 9 năm 1939, Hồng quân tràn vào đánh chiếm lãnh thổ Kresy thuộc Ba Lan để phối hợp với quân Đức. Quân Liên Xô tiến công để thực thi thỏa thuận trong điều khoản bổ sung Hiệp ước Xô-Đức, theo đó chia cắt Đông Âu thành khu vực ảnh hưởng của Đức và Liên Xô. Ngày 27 tháng 9 năm 1939, thủ đô Warszawa của Ba Lan chính thức bị quân Đức chiếm. Ngày 6 tháng 10 năm 1939, cuộc tấn công Ba Lan chấm dứt, lãnh thổ Ba Lan đã bị phân chia giữa Đức Quốc xãLiên Xô. Tuy vậy người Ba Lan tiếp tục tiến hành kháng chiến và đóng góp cho các chiến dịch quân sự của phía Đồng minh trong suốt cuộc Đại chiến thế giới. Đức chiếm vùng do Liên Xô chiếm đóng sau khi họ tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6 năm 1941, và mất Ba Lan khi quân Liên Xô phản công năm 1944. Trong suốt thời gian bị chiếm đóng, Ba Lan mất hơn 20% dân số, cuộc chiến tranh này cũng đánh dấu sự kết thúc của nền Cộng hòa Ba Lan lần thứ hai.


Hình ảnh chọn lọc
Bộ binh Hoa Kỳ hành quân ngang tỉnh Waldenburg (Đức), tháng 4 năm 1945.

Mặt trận phía Tây của chiến trường châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai bao gồm các trận chiến trên lãnh thổ của Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Pháp, và phía tây của Đức.

Nhân vật lịch sử
Anne Frank.
Annelies Marie "Anne" Frank (12 tháng 6, 1929 - 12 tháng 3, 1945) là một cô bé người Đức gốc Do Thái, tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng Nhật ký Anne Frank. Cuốn nhật ký được viết khi Anne cùng gia đình và bốn người nữa ẩn náu tại Amsterdam trong thời gian chiếm đóng của quân Đức thời Thế chiến thứ 2.

Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1 năm 1933, gia đình Anne Frank rời khỏi Frankfurt am Main đi Amsterdam cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức quốc xã. Từ tháng 7 năm 1942, họ sống trốn tránh trong những căn phòng được ngụy trang, khi đó Anne 13 tuổi. Sau hai năm, do bị phản bội, gia đình Anne bị phát hiện và bị đưa tới trại tập trung của Đức quốc xã. Bảy tháng sau đó, Anne chết tại trại Bergen-Belsen, vài ngày sau cái chết của Margot, chị của Anne. Ông Otto, bố Anne, người duy nhất trong nhóm sống sót trở về Amsterdam sau chiến tranh và tìm thấy nhật ký của con gái. Ông đã quyết định cho xuất bản cuốn nhật ký với tên Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944.

Cuốn nhật ký Anne được tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 13, đã ghi lại cái nhìn của cô về những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian từ 12 tháng 6 năm 1942 tới 1 tháng 8 năm 1944. Từ tiếng Hà Lan, cuốn nhật ký đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, trở thành một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới. Nhiều bộ phim, vở kịch, opéra được dựng dựa theo tác phẩm này.

Bạn có biết...
Bạn có biết...
Bạn có biết...
Thể loại
Không có thể loại con
Diễn biến chiến sự
Châu Âu
Chiến trường châu Âu (1939-1945)
  Đồng MinhLiên Xô từ năm 1941
  Liên Xô đến năm 1941
  Nước trung lập
Châu Á-Thái Bình Dương
Chiến trường châu Á-Thái Bình Dương (1937-1945)
  Đồng MinhLiên Xô từ năm 1941
  Liên Xô đến năm 1941
  Nước trung lập
Danh mục
Chiến tranh thế giới thứ hai
Mặt trận Sự kiện chính Khía cạnh khác Thành phần

Mở đầu

Mặt trận chính

Tổng quát

1939

1940

1941

1942

1943

1944

1945

xem thêm...

Ảnh hưởng dân thường và tội ác chiến tranh

Hậu quả

Đồng Minh

xem thêm...

Phe Trục

xem thêm...

Các tài liệu khác

Thể loại  · Chủ đề · Dự án
 Từ điển ·  Thông tin ·  Danh ngôn ·   Văn kiện và tác phẩm ·  Hình ảnh và tài liệu ·  Tin tức

Tham gia

Chủ đề Chiến tranh thế giới thứ hai đang được xây dựng nên rất cần sự giúp đỡ, đóng góp của các bạn về nội dung lẫn giao diện. Các bạn có thể:


Chủ đề liên quan
Cổng thông tin Wikipedia